Searching...
Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Sài Gòn - nơi tôi gieo hạt niềm tin

Những ngày này, Sài Gòn lúc nào cũng lướt tha lướt thướt mưa. Mưa không kể đêm ngày, như cô gái nhỏ ưa làm nũng, đang đòi mẹ thứ gì đó mà không được. Nhưng nhờ cô gái nhỏ này làm cho tiết trời đang nắng nóng như nung trước đó chợt dễ chịu hơn, hiền hòa hơn.
Đã hơn mười năm, tôi làm người Sài Gòn. Mười năm, thời gian đủ để một đứa trẻ thành một thiếu nữ, làm một thiếu nữ thành một phụ nữ trưởng thành và đôi khi, còn có vài nếp nhăn khó chịu.
Đừng ai hỏi tôi, Sài Gòn có gì, bởi sẽ rất nhanh nhận được câu trả lời là: “không biết”. Nắng Sài Gòn cũng giống nắng ở vùng đất nào đó tôi đã qua, gió cũng giống gió nơi nào đó tôi từng đến, các món ăn cũng là du nhập từ những miền quê khác nhau. Đến những hàng cây ven đường cũng là một sự “giông giống”. Sài Gòn như một nồi lẩu thập cẩm, chẳng có gì của riêng mình.
Có chăng là sự ồn ào, náo nhiệt của một thành phố lớn luôn chuyển mình. Như một con Rồng đang trưởng thành, lúc nào cũng thấy đói và có nhu cầu ăn. Nó cựa mình đòi hỏi, nó vươn cổ tìm kiếm, nó giận dữ bực mình, và nó vươn dài thỏa mãn.
Ảnh minh họa
Tôi hầu như chẳng bao giờ ra đường vào buổi tối, sau những giờ vật vã trong nhà máy, hết giờ chỉ muốn về nhà, về với thế giới riêng của mình, đôi khi nghĩ đó cũng là hạnh phúc. Như con ốc chui mình trong vỏ, chật chội tù túng thật nhưng lại thấy bình yên. Vẻ bình yên, hạnh phúc của người có tính nhút nhát, sợ phải đối đầu với mưa nắng ngoài kia. Báo chí, truyền hình thì cứ đưa tin về những tệ nạn này kia, nào cướp giật, nào hút chích, nào… Nhưng tôi vẫn biết, ngoài kia có một Sài Gòn không ngủ, cũng náo nhiệt, cũng xô bồ với những phận đời khác nhau. Tôi núp trong vỏ ốc của mình, nhìn Sài Gòn bằng tai và thiếp đi với giấc mơ về một ngôi nhà nhiều cửa sổ.
Sài Gòn gạo châu củi quế, nhà là một ước vọng cao vời ngay cả với người Sài Gòn, chứ đừng nói gì những người nhập cư như tôi. Ngày ấy, tôi còn trẻ, nhìn căn phòng trọ xập xệ, thầm nhủ: Mình sẽ dành ra mười năm để cố gắng. Rồi sẽ trở về bên mẹ, bên gia đình. Mười năm tuổi trẻ tôi đã bỏ ra như thế, cộng thêm mười phần cố gắng, mười phần nhẫn nhịn và không biết bao phần mồ hôi. Riêng nước mắt thì không. Nước mắt tôi dành cho những điều khác, trong tim. Khi đã cắm cho mình một cột mốc để phấn đấu, đã đánh cuộc mười năm tuổi trẻ của mình thì cớ sao phải thêm vào đó nước mắt?
Mười năm đã qua như một cái chớp mắt. Tôi vẫn là tôi, nhưng không còn là tôi của ngày xưa. Thành phố thì vẫn vậy, vẫn là nắng mưa vay mượn, vẫn là đặc sản vay mượn. Những tòa nhà cao tầng không ngừng mọc lên, những ngôi nhà nhỏ như ngày càng nhỏ hơn, lầm lũi nấp dưới chân những tòa nhà cao vòi vọi. Đến ánh sáng cũng không thể rọi tới. Không khí cũng là thứ không khí bờ kè bờ kênh đặc sệt khó thở.
Ngày có được ngôi nhà cho riêng mình, ngôi nhà nhỏ đến nỗi kê một cái giường cũng chật, được mua bằng tiền vay mượn của tất cả bạn bè mà tôi có, tôi đã trồng một cây xoài ngay trước nhà. Chẳng phải là xoài cát hay xoài thanh ca, chỉ là thứ xoài ghép dễ trồng, nhanh lớn. Cũng bởi ước ao có một chút màu xanh của cây cối, cho đỡ nhớ quê.
Cây xoài lớn rất nhanh, mới năm năm mà đã cho quả. Quả nó rất to, phải gần một cân một quả. Những cô gái quanh xóm trọ nhà tôi đã hái quả khi còn xanh và ăn với mắm đường, cùng xuýt xoa khen ngon. Khi quả vừa chín, vỏ mới hửng vàng thì bên trong đã nát bét như có ai vầy. Lúc bổ quả xoài, tôi đã bần thần như người vừa chạy một quãng đường xa thật xa... Nước mắt tôi đã rơi trước quả xoài nhìn rõ ngon mắt nhưng chẳng thể ăn.
Người ta nói xoài ghép thường thế.
Tôi lại nghĩ, phải chăng chúng tôi cũng giống như những trái xoài ghép kia, sống ở nơi không thuộc về mình, dù có thành công, cũng chỉ là thứ thành công gượng gạo?
Mười năm của tôi trôi qua như thế. Một ngày có bốn tiếng để ngủ, một tiếng cho riêng mình, phần còn lại dành cho công việc. Không bạn bè, không thân sơ, có lúc tôi nghĩ mình như cái máy, cứ cặm cụi vận hành.
Mười năm, không một cái ôm thân ái, không một lần đến rạp xem phim, không cả một cuốn sách hay. Cũng may điện thoại có thể nghe nhạc, ngoài căn nhà nhỏ, tôi trốn mình vào trong cái điện thoại, nghe nhạc và vươn tay về phía gia đình, xin thêm chút nghị lực để phấn đấu.
Ngoảnh đầu nhìn lại, hàng cây ngày nào giờ đã vươn cao. Cây xoài ghép trước sân nhà ngày cũ đã không còn. Nếu là tôi, tôi sẽ không nỡ chặt nó đi, nhưng ngôi nhà cũ không còn thuộc về tôi nữa, người chủ mới muốn tận dụng chút đất còn lại, đã chặt cây xoài. Gốc của nó, bị đóng vào mấy cái đinh, móc rất to, trở thành một cái giá treo đồ ấn tượng.
Từ ngôi nhà đầu tiên có cây xoài ghép. Tôi đã chuyển nhà thêm ba bốn lần nữa, ở mỗi ngôi nhà, tôi lại trồng một loại cây khác nhau, có sung, có ổi, có táo, nhưng không bao giờ là cây xoài nữa. Trái xoài chín nát không thể ăn luôn làm tôi bị ám ảnh. Mỗi lần chuyển nhà là một lần bịn rịn, nhưng không có ngôi nhà nào làm tôi nhớ bằng ngôi nhà đầu tiên. Thi thoảng, tôi vẫn quay lại xóm nhỏ, nhìn ngôi nhà cũ của mình, thăm những người hàng xóm cũ. Nhìn nhau chợt nhận ra mình thật hạnh phúc vì đã có những ngôi nhà của riêng mình. Hàng xóm cũ của tôi ngày trước, vẫn ở trọ trong căn phòng bé, thấp tè và đầy muỗi, nhìn thời gian trôi trước hiên nhà.
Có một lần, có việc phải lên thành phố. Tôi như trôi giữa hai hàng cây ngập tràn ánh sáng, đến nỗi quên mất mình phải rẽ, để rồi phải gọi điện về cầu cứu người nhà vì không biết phải tiến lùi làm sao. Tôi không biết hàng cây đó là cây gì, phải chăng là cây me trong những bài hát về Sài Gòn, chỉ biết nó lòe xòe như những cái ô nhỏ, riu ríu như cô thiếu nữ vừa ra khỏi nhà bất chợt gặp cơn mưa.
Nếu bây giờ có ai hỏi tôi, Sài Gòn có gì? Tôi vẫn trả lời: “không biết”. Tôi không biết tên một con đường nào của thành phố, không biết tên một quán ăn nào. Con đường tôi quen nhất, là đường ra ga và sân bay, bởi chúng là con đường đưa tôi về với mẹ, với gia đình, nơi cho tôi sức mạnh và niềm tin để đi tiếp.
Tôi như cây xoài ghép, vẫn biết mình chẳng thể có trái ngon, song vẫn rướn mình hy vọng.
Nếu ai đó kiên trì hỏi lại thêm lần nữa: “Sài Gòn có gì?”, tôi sẽ trả lời: “Sài Gòn có ngôi nhà tôi yêu, có gia đình của tôi và một phần đời tôi đã gieo ở đó!”. Nhưng tôi sẽ không nói ra một điều, một điều bí mật. Rằng Sài Gòn đã làm tôi gửi trọn trái tim.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét