Hà Nội hiện lên trong tôi, qua những lời mẹ kể.
Ngày
tôi chưa tròn tuổi, ốm quặt ốm quẹo như cái dải khoai, bố đi công trình
tận Lào Cai, cơ quan có lệnh chuyển công tác, một mình mẹ bế tôi, tay
dắt bà nội, lếch thếch từ Bỉm Sơn chuyển ra Hà Nội.
Thời
tem phiếu khó khăn, chân ướt chân ráo ra Thủ đô, mẹ phải mang bán hai
cái phiếu vải dành dụm bấy lâu và một cái phiếu thịt để đổi lấy ba thang
thuốc cho tôi và mua được một cái thau nhôm Hải Phòng. Cái thau nhôm đến giờ mẹ vẫn còn dùng dù nó đã méo mó, xỉn màu.
Ba thang thuốc ấy đã níu tôi lại với cuộc sống.
Ba
thang thuốc ấy đã khiến mẹ xấu hổ với những người hàng xóm mới vì bị mẹ
chồng ra rả chửi: “Con tao đi làm xa, mày ở nhà giết cháu tao rồi đi
lấy chồng khác!”. Cũng may, thời ấy người ta đối với nhau không vì tiền
tài hay những vật ngoại thân. Qua một buổi chiều, những người hàng xóm
mới đã giang tay với mẹ con tôi.
Cũng bởi bà nội tôi bị điếc, bà chỉ nhìn chứ không nghe. Bà thấy tôi lả
người sau khi uống chén thuốc, ngủ li bì suốt hơn hai tiếng đồng hồ.
Cũng bởi, tôi là đứa cháu đầu tiên bà có trong đời.
Ngày
ấy, mẹ thường cho tôi ngồi trong chiếc ghế mắc ở khung xe đạp, chiều
chiều, mẹ con tôi “dạo phố” trên chiếc xe đạp cũ, phía sau mẹ buộc hai
thùng nước cơm (là thứ hỗn hợp cơm thừa canh cặn, gốc rau các loại về
nuôi lợn). Có lần, hai mẹ con đang vi vu trên đường Thanh Niên, cái dây
co (là dây cao su) bị đứt, thùng nước cơm đổ lênh láng. Mẹ tôi vội vàng
bỏ tôi xuống vệ đường, còn mình thì tay bốc tay hốt thứ hỗn hợp ấy trong
ánh mắt ái ngại của người qua đường và người tản bộ. Lúc mẹ ngẩng nhìn
thì không thấy tôi đâu, vội nhìn quanh, hóa ra con gái đang ở phía sau
mẹ, cũng hai tay chập vào nhau, giúp mẹ bốc thứ hỗn tạp ấy vào thùng,
quần áo đã dính bê bết thứ nước đục nhờ nhờ có mùi chua loét.
Tôi
không biết khi ấy mẹ cười hay khóc, tôi cũng không biết khi ấy mình
nghĩ gì, muốn giúp mẹ hay chỉ nghĩ đơn giản đó là một trò chơi?
Rồi
rất nhanh sau đó, bố mẹ tôi lại chuyển cơ quan theo phân công của tổ
chức. Hình như căn phòng tập thể rộng 8m2 đó bố tôi mới về ở được hai
lần, mỗi lần chưa trọn một ngày. Họ
hàng nhà tôi, không có ai ở Hà Nội nên chúng tôi rất nhanh đã quên một
nơi có tên như thế. Duy chỉ có mẹ, mẹ vẫn nhớ khu tập thể có những cô
bác thân thiện, mẹ gọi tên từng người với vẻ biết ơn. Ngày đó mẹ tôi là
cấp dưỡng, mẹ phải thức từ ba giờ sáng để nổi lửa. Bà nội tôi khi ấy đã
về quê, mẹ không đành lòng bỏ lại đứa con gái bé bỏng ở nhà một mình nên
đành địu tôi xuống nhà bếp. Tôi ngặt nghẽo ngủ, gối đầu lên phiến lưng
gầy, gối cả lên những giọt mồ hôi của mẹ. Có lẽ, trong giấc mơ tôi khi
ấy hẳn có vị mặn mòi. Các cô bác thấy thế, đón tôi về nhà mình cho tôi
được tròn giấc, cho mẹ tôi yên tâm đi làm.
Ảnh minh họa
Khi
tôi lớn, Hà Nội trong tôi là hình dáng của cô bạn. Bố mẹ tôi và bố mẹ
Thư là đồng nghiệp, chúng tôi học cùng nhau năm lớp 3 trong ngôi trường
lợp rạ chỉ có hai lớp học ở Bỉm Sơn (sau đó, bố mẹ tôi lại quay lại cơ
quan ở Bỉm Sơn). Trường nằm cạnh con suối nhỏ, ngày mưa là chúng tôi
phải nghỉ học vì không thể qua suối. Có lần mưa lũ, toàn bộ trường bị
cuốn trôi, thành ra khi chuyển về quê học lớp Bốn, tôi đã không có học
bạ, ngoại trừ một tờ giấy chứng nhận đã học hết lớp Ba. Cô giáo lớp Bốn
của tôi phải làm cho tôi học bạ mới, cô chép điểm của một bạn khá nhất
lớp cho tôi. Thành ra, lỡ bạn có nhìn thấy học bạ của tôi, xin nhớ, tôi
không giỏi thế ở những năm đầu cấp, cho đến tận sau này.
Có
lẽ, Thư là người bạn thân đầu tiên tôi hạnh phúc có được, chúng tôi
không liên lạc với nhau thường, ngay cả khi bạn chuyển công tác vào
thành phố tôi đang sống, cách tôi chưa đầy chục cây số, chúng tôi cũng
ít gặp nhau. Nhưng cả tôi và bạn đều hiểu. Bạn, không phải là mỗi ngày
một tin nhắn hỏi thăm, mỗi tháng một lần gặp mặt mà bạn là mỗi khi nhớ
đến, trên môi lại nở nụ cười.
Một
lần nữa, Hà Nội lại mang hình dáng nụ cười của một người bạn tôi yêu
quý. Anh gọi tôi là cô, xưng anh như thể chúng tôi là một gia đình. Mỗi
khi có dịp về quê, trên đường ra sân bay, tôi lại ghé nhà anh chị ít
phút. Có khi chẳng kịp nói với nhau tròn một câu chuyện, có khi chỉ ăn
vội bát mì tôm chị làm, có khi chỉ nhìn nhau, cười với nhau một cái. Thế
thôi, cũng đủ ấm lòng.
Các
con tôi cũng giống tôi ngày đó, hễ nghe Hà Nội có gì là chúng nó “đổ
riệt” cho bác Lương. Chuyện phở có ướp focmon, chúng bảo: “Hà Nội của
bác Lương ghê quá!”. Lần tôi ra Hà Nội, ăn một bát phở bị cho quá nhiều
mì chính, vào ốm một tuần, chúng nói: “Mẹ đừng thèm Hà Nội của bác Lương
nữa!”, cậu trai nhỏ thì nói: “Sao mẹ không vào nhà bác Lương mà ăn?”
làm mẹ chúng đang nằm bẹp cũng phải phì cười. Bao lần tôi hứa cho chúng
đi thăm Thủ đô nhưng chưa làm được, Hà Nội đối với chúng, và cả với tôi,
là ngôi nhà ấm cúng trong con ngõ nhỏ với những nụ cười thân thiện mà
gia đình bác Lương dành cho.
Hà
Nội của tôi, là những người tôi yêu quý, một là anh, một là bạn thân,
có thêm chút gia vị là những hộp ô mai Hà Nội. Có lẽ anh không biết, khi
anh gửi quà cho cô em gái là tôi, tôi đã không ăn hết chúng, mà tôi lại
mang cho mỗi người một ít. Thứ của thơm thảo cần được sẻ chia, cho
những ân tình còn vương lại mãi.
Hà
Nội trong tôi là màu phớt hồng của hoa ban tháng Ba trải khắp con đường
chạy trước cửa Lăng Bác. Là tờ báo tuổi học trò đã đăng những truyện
ngắn đầu tiên của tôi. Là ấn tượng không quên về người tài xế xe buýt đã
“dụ” chúng tôi vào nghỉ trong khu phố cổ giữa đêm sau khi đã “chém” của
chúng tôi không ít tiền. Là chàng thanh niên ăn mặc thời trang đã làm
tung tóe bùn nước lên người chúng tôi còn cười khoái chí. Là hộp sấu nằm
khép nép trong ngăn đá tủ lạnh, là bát canh sườn nấu sấu, hay đơn giản
chỉ là bát nước rau có vị chua dịu dàng của sấu.
Hà
Nội trong tôi thật nhiều ấn tượng, xấu có, đẹp có nhưng lại không thể
ghét, chỉ yêu và không thể đánh đổi. Bởi Hà Nội đang giữ những người
anh, người bạn mà tôi yêu quý.
Cảm ơn những người đang giữ giùm tôi, Hà Nội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét