Đã lâu lắm đêm nay mình mới có đủ thời gian nghe trọn vẹn bài hát ru
được phát ra từ một chiếc máy cassette đã cũ đã hơn 30 tuổi. Đó là món
đồ quý giá nhất mà mẹ được cha tặng, người đã giữ gìn bên mình mang theo
từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc và Nam. Trong quãng đời truân chuyên mấy mươi
năm, mẹ vẫn giữ chiếc máy như một minh chứng cho sự thủy chung dù cha có
phụ rẫy mẹ đến thế nào đi chăng nữa.
Khi mẹ mất, chiếc cassette bị bỏ quên trong một chiếc thùng sắt lẫn lộn
với những món đồ cũ khác không dùng, mình gặp nó khi dọn dẹp để bỏ đi
một món đồ không cần thiết. Trong chiếc máy nguyên một cuộn băng, mình
bỏ pin vào máy. Đó là một cuốn băng hát ru. Rưng rưng lần theo kí ức,
mình gặp lại quãng đời thơ ấu bên mẹ.
“Con tôi buồn ngủ buồn nghê / Buồn ăn cơm nếp cháo kê, thịt gà…“.
Mẹ hát ru chị em mình suốt những năm tuổi nhỏ. Cả khi mình đã thành
thiếu nữ. Những đêm Đông khó ngủ vì thiếu chăn, thiếu đệm, lời ru của mẹ
phủ ấm quanh mình. Mình vùi đầu vào ngực mẹ uống lấy lời ru rồi mơ có
đôi cánh thần tiên bay qua cánh đồng, vút lên bầu trời cao rộng, qua núi
cao và biển sâu. Câu hát ấy 20 năm sau mẹ lại hát ru đứa cháu ngoại đầu
tiên, con gái của mình.
Giọng mẹ hay lắm. Nồng nàn, tha thiết và thắm đượm tình yêu. Lời ru ấy
không chỉ có âm thanh mà còn gợi lên hình ảnh, màu sắc và cả hương thơm
nữa. Lời ru của mẹ êm đềm như dòng sông Thương quê mình. Có hương thơm
của bờ xôi ruộng mật; của góc bếp lam lũ sợi khói tung lên trời mang
hương cơm lúa mới; của chiếc khăn thâm kim nồng mùi mồ hôi của mẹ trên
những nẻo đường xa ngược gió. Có màu đen lóng lánh của hàm răng hạt na
của bà; có màu nắng mới giữa mùa Đông ảm đạm; có màu áo hoa của các con
ngày tết… Lời ru của mẹ có câu chuyện kể ngày xửa, ngày xưa, có khát
vọng trưởng thành cho “ba hạt đậu xanh của mẹ”. Mình thuộc rất nhiều bài
hát ru, mẹ đi vắng, mình lại ngân nga ru hai em tròn giấc ngủ. Mẹ bắt
gặp, mỉm cười, giang tay đón ba con, ngực mẹ còn đẫm cơn gió mùa Đông
Bắc nhưng trái tim mẹ lại ấm như chiếc lò sưởi xua cơn giá rét ấy đi.
Chúng mình đã rất hạnh phúc…
Những ngày cuối cùng của mẹ, mình hát ru những cơn đau của mẹ, mẹ bé
nhỏ lỏng một vòng tay mình bế, người nắm lấy tay mình đặt tay các em vào
đó rồi người khép mắt. Mùa Đông năm ấy cái rét kéo dài lê thê, mưa nhỏ
nhưng sắc, cắm phập vào thịt da, gò đống Mối ảm đạm… Mình ngồi đó trong
đầu vẳng lại câu hát ru của mẹ những đêm khó ngủ. Lời ru xa vắng quyện
vào nỗi day dứt mình không thể cầm tay mẹ vững chãi băng qua đường, chở
mẹ đến những nơi mẹ muốn, nói những lời yêu thương với mẹ… Kí ức là điều
đã qua nhưng sẽ không bao giờ cũ kĩ bởi còn nỗi nhớ lúc nào cũng tươi
ròng cảm xúc.
Mình luôn xem mình là đứa hạnh phúc nhất trên cõi đời, dù cho biến cố ở
đâu đó luôn sẵn sàng đổ xuống, có lúc đã muốn tước đi của mình tất cả…
Nhưng bất hạnh đó chẳng thể lớn bằng hạnh phúc thực sự rằng mình đã có
một người mẹ vĩ đại. Người mẹ ấy biết con mình thiếu gì, cần gì, khi nào
vấp ngã để nâng con dậy cả khi người đã về nơi chín suối.
Chừng ấy năm mẹ ngừng tiếng hát. Mình ôm con ru hời câu ca cũ. Giọng
mình không trong, không ngan ngát hương lúa chín, không thoang thoảng
mùi ngô nếp nướng, mùi rơm rạ ngày mùa, không màu của đường làng ngõ
quê. Giọng mình có màu của năm tháng thăng trầm, có nỗi buồn dồn lại như
từ muôn kiếp trước nhưng cũng đủ thanh bình để ru con ngủ, đủ ngọt để
con say nồng giấc ngủ. Con của mình đã quen những lời ru, nếu đêm nào
các con không được mẹ ru và xoa lưng sẽ trằn trọc. Vì thế dù bận đến như
thế nào vào thời khắc đó mình cũng gác mọi thứ lại, ôm con vào lòng và
hời ru. Mình không muốn các con ngủ trong chới với của tiếng ồn cơ giới
và ì xèo buôn bán ở bên ngoài cánh cửa.
Băng cũ, máy cũ, tiếng hát ru của người nghệ sĩ trở nên rè, nặng nhọc
như bước chân của người già đã đội lên đời mình cái tuổi “cổ lai hy”.
Mình men theo tiếng hát gãy khúc để tìm về hình bóng mẹ: mái tóc quà quá
gót, đôi mắt thăm thẳm, khóe môi dịu dàng. Mình như được dựa vào mẹ lúc
này, lúc buồn tủi, cô đơn để thấy rằng tình yêu thương có thể khiến con
người ta bao dung hơn, vững vàng hơn, bớt oán than đi để mỗi ngày mỗi
sống đẹp hơn. Mình đã thiếp đi trong lời ru được phát ra từ chiếc mát
cassette cũ… Như thời thơ bé mình nhảy chân sáo trên cánh đồng tháng
Chạp tìm rau muối về mẹ nấu canh tôm, khi ấy mùa Đông có lạnh thế nào
mình cũng không sợ nữa...
Sau này chiếc casette phải sửa mấy lần, nhiều đến mức người thợ điện tử
khuyên không nên dùng nữa khi tiền sửa góp lại đủ mua một cái máy nghe
nhạc loại xịn. Mình chỉ cười, có những điều dù có giải thích đến thế nào
không chắc người khác đã hiểu được, như chiếc máy casstte này chẳng
hạn, nó đâu phải chỉ là một cổ máy già nua khắc khổ mỗi lần chạy lại run
lên bần bật mà còn là hơi ấm của mẹ để lại…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét