Ngày
còn bé, vì bố mẹ là công nhân, lại ở hai nơi khác nhau nên tôi được
mang về cho ông bà ngoại nuôi. Nói cho đúng, thời bao cấp, công nhân
phải ăn bo bo, mì sợi nhiều hơn gạo, mẹ mang tôi về quê chỉ vì muốn cho
tôi được ăn cơm.
Ông
bà ngoại tôi có sáu người con, mẹ tôi con đầu, sau lưng là bốn dì, chốt
cuối cùng là cậu. Ông tôi nhờ bình dân học vụ mà biết được ít chữ,
trong làng, người như ông không nhiều.
Ông làm gì đó ngoài xã, nôm na là làm cán bộ. Tôi thấy người ta làm cán
bộ sướng bắt chết, còn ông tôi đi tối ngày, không thăm đồng thì lại
thăm đồng, quần lúc nào cũng vo lủng liểng ngang bắp chân. Bàn chân ông,
lắm khi lên phản ngủ vẫn còn dính bùn.
Đến vụ, nhà người ta cày bừa xong xuôi mới tới nhà tôi, lắm khi phải
cấy mạ già. Bà với các dì tôi cằn nhằn, ông nói “mình phải đi sau bà
con”, bà bĩu môi: “mẹ con tôi chả nhờ ông được cái gì”.
Nói
thì nói thế, ông rất nghiêm khắc và công bằng. Bà có mỗi mụn con trai,
cưng như trứng. Ông thì không, càng con trai ông càng đánh tợn. Có bữa
cậu trốn học, bị ông cho ăn đòn, cậu giận bỏ nhà ra đi. Bà với các dì
đốt đuốc đi tìm cả đêm không thấy, sáng hôm sau tôi mở chuồng bò thấy
cậu ngáy pho pho trên gác chuồng. Ông kéo cậu xuống, lại cho một trận.
Chả riêng gì cậu, tôi cũng ăn đòn no nê bởi tính ham chơi tinh nghịch của mình.
Ảnh minh họa
Lâu
lâu, ông mang về những tờ báo Nhân Dân cũ để dành bọc vở. Tôi lấy vở cũ
của cậu, dùng cơm nhão dán hai tờ thành một, mang bọc vở, còn báo, tôi
nâng niu để dành, lúc chăn bò mang vào đồng đọc. Báo Nhân Dân chả có gì
hay, toàn chuyện gỉ chuyện gì, tôi không quan tâm, chỉ thấy được đọc là
thích.
Đến nỗi, không biết bao nhiêu lần, cậu đi học mà không thể nào tìm thấy
quyển sách Văn học của mình. Cậu mếu máo bắt đền ông vì biết nó đã theo
tôi đi học. Có lần tôi bị cậu xoắn đỏ nhừ tai cũng vì tội đó.
Một
lần vừa nấu cơm vừa đọc, lửa cháy lan, suýt đốt luôn thùng trấu. Ông
biết chuyện, tôi đinh ninh phen này mình sẽ nuôi một đàn lươn trạch trên
mông.
- Sách hay lắm à?
- Vâng.
- Cháu hiểu gì không?
- Có chứ ạ.
Ông
nhìn tôi cười. Ông bảo: “Sách không làm người ta no, không làm người ta
ấm, nhưng sách là không khí giúp con người tồn tại”. Tôi há mồm nghe,
không hiểu gì hết. Tôi có thể nhịn ăn nhịn uống cả ngày để đọc sách, sao
ông nói sách không thể làm no?
Ông bắt đầu mang sách về cho tôi đọc. Một con bé học lớp Ba thì làm sao
hiểu hết nội dung những cuốn sách đó. Nhưng sách lại giúp tôi thỏa cơn
khát được ngắm nhìn những con chữ.
Ông xoa đầu tôi, thở dài:
- Mẹ mày chả được học mấy chữ, mày phải học thay mẹ nghe chưa!
Lớn
lên, tôi mất đi một số thói quen, một số đam mê, cũng nhận về một số
thói hư tật xấu khác. Duy có đọc sách là chưa bao giờ mất đi trong tôi.
Tôi cầm quyển sách lên, ngắm hai tờ bìa xong, bắt đầu đọc. Nếu không có
ai gọi, tôi sẽ chỉ bỏ quyển sách xuống khi đến trang cuối cùng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn bị thói quen đó làm... hư mắt.
Mỗi lần đọc sách, khi đọc những chữ đầu tiên, tôi thường nhớ tới ông.
Người thầy đầu tiên trong đời tôi, người mà tôi có thể tự tin nói rằng,
sẵn sàng cho tôi cả cuộc đời mà không chút phân vân. Vì tôi là cháu ông. Là đứa cháu đầu tiên ông có.
Và là đứa cháu duy nhất, chưa bao giờ biết chùn bước trước thử thách
ông đưa ra, dù đó là cầm tay bốc đỉa hay trong mười lăm phút, có thể
chạy như bay vào đồng, thông báo chuyện gì cho ai đó.
Ông gọi tôi là con bé rạch trời rơi xuống. Rạch, là nó tự rạch chứ không phải do trời rách mà nó rơi.
Mười
bảy năm, ông về bên kia bầu trời. Trong tôi, những câu nói, những hình
ảnh của ông vẫn còn rõ nét. Tôi cảm ơn số phận đã cho tôi tuổi thơ nghèo
khó nhưng ăm ắp nụ cười. Tôi cảm ơn bố mẹ đã cho tôi về ở với ông,
người thầy nông dân chân đất nhưng có cách nghĩ, cách làm luôn khiến
người khác kính phục, và trân trọng. Để bây giờ, mỗi khi nghĩ lại những ngày tháng đó, tôi thấy mình bồng bềnh như trôi...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét