Searching...
Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Hiện tượng kỳ thị dân tỉnh lẻ bao giờ mới kết thúc?

Nhiều người không khỏi buồn lòng khi chứng kiến thói quen kì thị giữa những người có hộ khẩu thành phố và dân tỉnh lẻ. Chỉ cần một cú nhấp chuột chúng ta có thể tìm thấy các diễn đàn, nhóm được lập ra nhằm mục đích phân biệt vùng miền trên cả nước. Với giới trẻ, trang mạng chủ yếu là facebook cũng không ít những bài báo, những câu nói miệt thị dân nhà quê, dân tỉnh lẻ.
Phân biệt vùng miền đang ở mức báo động
Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện không ít lời nói phân biệt vùng miền khiến dân mạng dậy sóng. Phần lớn, những người phân biệt vùng miền đều tự nhận mình xuất thân từ thành phố. Họ cảm thấy tự hào khi mình có một “hộ khẩu” chính danh người thành phố và tự cho mình quyền coi thường, miệt thị dân tỉnh lẻ.
Nhiều người không khỏi buồn lòng khi nghĩ về hai chữ “hộ khẩu” bởi nhiều lúc hộ khẩu chính là tấm vé thông hành giúp họ thuận lợi trong cuộc sống. Những người này chia sẻ, sự quản lý dựa trên hộ khẩu đã tạo ra cả một lĩnh vực dịch vụ giấy tờ tư pháp trong đó người ta phải chi cả chục triệu đồng cho các “cò” chỉ để đổi lấy tư cách công dân của một thành phố lớn. Chưa kể những người này, đã tham gia đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của thành phố ấy, họ đã làm vai trò của một công dân tốt hơn rất nhiều người vốn có hộ khẩu khác.
Mới đây người ta thi nhau kể về một vụ tai nạn xảy ra, giữa thanh niên đi xe máy, biển số Phú Thọ, lấn sang làn đường ô tô và làm cho một chiếc Lexus LX570 rất đắt tiền móp đầu. Người qua đường chụp ảnh, đưa lên facebook, và nhanh chóng gây được sự chú ý. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người, nhưng mang kịch tính lớn, bởi vết móp trên chiếc xe Lexus có thể trị giá cả mấy cái xe máy mà người thanh niên kia đang đi. Nhưng rồi rất nhanh, một vài người chú ý đến cái biển số xe 19 và bắt đầu một cuộc dèm pha, chì chiết, với luận điệu khó nghe như: "đi lại như đường làng", “bọn trẻ trâu”, “bọn tỉnh lẻ”, “đáng đời cho bọn tỉnh lẻ không hiểu giao thông”, “thật đáng đời cho bọn tỉnh lẻ”,…
"Hộ khẩu" và hiện tượng kỳ thị dân tỉnh lẻ bao giờ mới kết thúc? - Ảnh 1
Chỉ vì biển số xe 19 mà chàng trai bị ném đá không thương tiếc.
Có lẽ nhiều bạn trẻ vẫn chưa quên những lời nói của một cô gái tên Mi Mi khi buông những lời cay nghiệt khi chê bai dân Thanh Hóa, Nghệ An. Cô nàng này không ngớt chê dân Nghệ An, Thanh Hóa là “nhà quê”, “không đáng làm bạn”. Chưa dừng lại ở đó, cô gái còn khuyên bạn bè hãy tránh xa, “nói không” với dân Nghệ An Thanh Hóa. Sự việc khiến không ít bạn trẻ bức xúc. Họ cho rằng cô gái này đang cố tình phân biệt vùng miền và cô là người thành phố Huế.
"Hộ khẩu" và hiện tượng kỳ thị dân tỉnh lẻ bao giờ mới kết thúc? - Ảnh 2
Cô gái Huế kêu gọi mọi người nói không với dân Nghệ An, Thanh Hóa.
Và có lẽ, vùng đất bị dân mạng “ném đá” nhiều nhất chính là Thanh Hóa. “Ở vùng miền nào chả có người tốt và người xấu, khi nào các bạn nói về một nguồn gốc nào đó thì các bạn nên tôn trọng nguồn gốc của họ...”, ca sĩ Phương Thanh (một người con Thanh Hóa) từng chia sẻ chân thành trên một diễn đàn.
Nhưng đó chỉ là lời nói, thực tế không ít sinh viên Thanh Hóa theo học tại các thành phố lớn đều bị bạn bè khinh miệt thậm chí là tẩy chay. Đơn giản  vì họ có hộ khẩu mang tên Thanh Hóa. Một bạn trẻ kể với bố mẹ rằng “Lớp con có 13 đứa dân Hoa Thanh Quế bố à, lớp con ghét bọn này lắm”. Người bố ngạc nhiên hỏi con: “Vì sao thế con”. Cậu con trai hồn nhiên trả lời: “Đơn giản mà bố, Hoa Thanh Quế là Quê Thanh Hóa, mà đã là người Thanh Hóa thì ghét tất bố ạ”. Người bố nghe xong không khỏi buồn lòng và thuyết giáo cho cậu con một bài học về tôn trọng nơi chôn rau cắt rốn của người khác.
Hay cơ sự đến từ mảnh đất cảng Hải Phòng. Vào những năm trở lại đây, thành tích của ngành công an cả nước phải kể đến Hải Phòng. Vì số lượng các băng nhóm, đối tượng “giang hồ” bị bắt giữ dẫn đầu nước ta. Nên vô hình chung, mọi người cứ quy chụm lại, đất cảng là nơi “máu lửa” nhất của tội phạm ở Việt Nam. Kẻ kể, người nói, cứ thế không ai bảo ai, một số người tự vạch ra tâm lý ngại tiếp xúc với người Hải Phòng với lý do đơn giản là sợ.


Vì đâu nên nỗi phân biệt vùng miền?
Thực tế, câu chuyện phân biệt vùng miền chưa có hồi kết trong giới trẻ cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Mà có lẽ, đó là do tâm lý chung của người Việt. Tâm lý có hộ khẩu thành phố để dễ bề làm ăn, hay hãnh diện với bạn bè khi mình là người thành phố,…
Nhiều người thở dài khi nghĩ tới sự phân biệt này biết bao giờ mới có hồi kết? Họ chỉ biết rằng sự chia rẽ miệt thị vẫn đang diễn ra khắp nơi trên phố, trong công ty, hay là trong mỗi ngôi nhà, nơi một anh trai “ngoại tỉnh” đến gặp gia đình người yêu ở Hà Nội, hay có hộ khẩu con mới được theo học trường công.
Câu chuyện của em Đỗ Hồng Sơn (lớp 11A5, Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị buộc thôi học, đã phải viết tâm thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vì không có hộ khẩu Hà Nội là một minh chứng cho nỗi lo của các bậc làm cha, làm mẹ. 
Một bộ phận vẫn muốn có được biển số xe Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh nên việc ồ ạt nhập cư vào các thành phố lớn này là điều đang diễn ra từng ngày. Việc “phân biệt hộ khẩu” vẫn hàng ngày diễn ra trên mỗi phố xá, một cộng đồng nào đó.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về vấn đề hộ khẩu và cơ chế vùng miền. Có như thế chúng ta mới tạo nên được một đất nước đoàn kết và cùng nhau phát triển. Việc xóa bỏ kỳ thị và phân biệt không khó, chỉ cần mỗi người ý thức được chúng ta là người Việt Nam, là con Lạc cháu Hồng. Vì sao chúng ta phải kì thị nhau khi có chung một nguồn gốc?
Viet Bao.vn (Theo ĐSPL)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét