Searching...
Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Ngoại tôi

Từ nay, sẽ chẳng còn ai chia với ngoại gánh nặng cơm – áo – gạo – tiền và những nhọc nhằn, buồn vui trong cuộc sống. Ngoại phải đơn độc bươn chải, gánh gồng để nuôi dạy hai đứa con thơ nên người…
Hồi trẻ ngoại đẹp nổi tiếng khắp một vùng. Đến bây giờ, dù ngoại đã gần bảy mươi tuổi nhưng nét sắc sảo vẫn còn thấp thoáng trên khuôn mặt. Là con gái của miền biển nhưng ngoại có làn da trắng mịn, nõn nà chứ không rám nắng như bao người dân ở đây. Tôi thích nhất là nụ cười của ngoại. Luôn tròn đầy, rạng rỡ và ấm áp đến lạ. Ngoại có đôi mắt to, đen láy, sâu thẳm như hai hồ nước mùa thu nhưng lại đượm vẻ buồn buồn khó tả. Người ta thường nói “hồng nhan” thì “bạc mệnh”. Có lẽ điều này đúng với cuộc đời của ngoại.
Ngoại trở thành một thiếu phụ góa bụa khi mới ngoài hai mươi tuổi, lúc mẹ tôi ra đời chưa đầy một năm. Ông ngoại đã mãi mãi ở lại với biển vào một ngày ra khơi gặp bão. Đó là đòn nặng nề nhất mà số phận đã giáng xuống đời ngoại. Sau này qua những câu chuyện ngoại kể tôi biết được hồi ấy suốt mấy tháng trời ngoại sống mà như đã chết, cứ lơ ngơ, thất thần như người đến từ cõi khác.
Thế nhưng, tình yêu thương dành cho hai đứa con thơ đã kéo ngoại trở về với thực tại. Bởi sẽ chẳng còn ai cùng chia với ngoại gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền và những nhọc nhằn, buồn vui trong cuộc sống. Ngoại tự an ủi bản thân mình rằng: “Trời cũng có lúc mưa lúc nắng thì số phận của một con người cũng sẽ không tránh khỏi những tai ương, sóng gió”.
Không có người đàn ông trụ cột đỡ đần nên ngoại phải tự mình bươn chải, gánh gồng để nuôi dạy con cái. Ngoại làm đủ mọi nghề để có miếng cơm manh áo sống qua ngày. Ngoại đã nhịn ăn, nhịn mặc chắt chiu, dành dụm để hai đứa con thơ được ăn học như những người bạn đồng trang lứa.
Hơn nữa, sắc đẹp mặn mà của một người thiếu phụ không chồng khiến ngoại phải né tránh, lẩn trốn bao lời đường mật của những người đàn ông trăng hoa. Nhiều người đã khuyên ngoại nên đi thêm bước nữa để có bờ vai nương tựa nhất là lúc xế bóng về già có bạn tâm sự. Ngoại chỉ ậm ừ cho qua chuyện và vẫn ở vậy cho đến bây giờ. Sau bao nhiêu sóng gió trong cuộc đời ngoại trở nên mạnh mẽ hơn.
Bây giờ, ngoại đã có thể nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già bên con cháu. Đó là niềm vui lớn nhất mà ngoại được đền đáp sau những tháng ngày vất vả, nhọc nhằn. Ngồi một mình trong căn gác trọ, nghe bài hát “Ngoại tôi” của Đình Văn mà con nhớ ngoại vô cùng:
“Sống giữa đô thành lâu rồi không về thăm quê.
Thăm ngoại thân yêu tuổi thơ lo lắng cho mình.
Thành phố hoa đèn món gì cũng có ngoại ơi.
Mà sao con vẫn nhớ tô canh bầu.
Nồi cá dứa ngoại kho…”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét